B2B và B2C là hai từ viết tắt rất đỗi quen thuộc dùng trong lĩnh vực bán hàng, marketing. Tuy nhiên, bạn đã biết rõ bản chất của các khái niệm này chưa?
Giữa hai mô hình kinh doanh B2B và B2C, có những khác biệt đáng lưu ý nào? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.
B2C là gì?
B2C là mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp (business) tới khách hàng (chữ C viết tắt cho Customer, nhưng để chính xác hơn, chữ C trong B2C đồng nghĩa với End-user – người tiêu dùng cuối cùng). Trong giao dịch mua bán diễn ra mạng internet theo hình thức này, khách hàng bao gồm những cá nhân mua hàng nhằm tiêu dùng thông thường và không phát sinh thêm giao dịch nào tiếp đó.
Ví dụ cho mô hình kinh doanh khá phổ biến ở nước ta này là bạn mua trên mạng một chiếc váy từ một shop thời trang online, hoặc mua 2-3 chiếc ốp lưng điện thoại từ một cửa hàng online để sử dụng theo nhu cầu của mình.
B2B là gì?
B2B là loại hình kinh doanh giữa hai doanh nghiệp (business) với nhau. Vì giá trị của hợp đồng, đơn hàng thường rất lớn nên hoạt động giao dịch mua bán không chỉ đơn thuần diễn ra trên kênh thương mại điện tử của từng doanh nghiệp hoặc các sàn thương mại điện tử, mà còn phải ký hợp đồng bên ngoài (nếu cần thiết).
Trong mô hình kinh doanh B2B, khách hàng mua hàng từ một công ty sẽ tiếp tục bán lại sản phẩm đó cho khách hàng là người dùng cuối.
Vài ví dụ cho mô hình kinh doanh B2B: Trang web bán sỉ quần áo cung cấp nguồn hàng cho các shop thời trang chuyên bán lẻ; Sàn giao dịch thương mại điện tử đóng vai trò là chiếc cầu nối để các doanh nghiệp cần bán hàng hóa/dịch vụ tìm được khách hàng của mình.
Sự khác nhau giữa B2B và B2C là gì?
Đối tượng khách hàng
Khác biệt dễ thấy nhất là khách hàng của giao dịch B2B là các công ty, còn của B2C là khách hàng cá nhân.
Các yếu tố trong đàm phán, giao dịch
Bán hàng cho người tiêu dùng cuối (B2C) không cần thiết phải luôn đàm phán giá, cách thức giao nhận hàng hay các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Điều này tạo điều kiện để các nhà bán lẻ dễ dàng mở một siêu thị trực tuyến, khi chỉ cần đưa lên mạng catalog sản phẩm/ dịch vụ của họ.
Trong khi đó, việc bán hàng cho doanh nghiệp (B2B) hầu như luôn bao hàm các yếu tố đàm phán về quy cách, các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, giá cả, việc giao nhận hàng, thu hồi công nợ… Qua đó, chúng ta hiểu lý do những ứng dụng thương mại điện tử B2B đời đầu “ưu ái” những sản phẩm hoàn chỉnh, rõ ràng trong mô tả đặc tính và mức giá.
Quy trình marketing
Bước đầu tiên áp dụng được trong chiến lược phát triển marketing cho cả B2B với B2C là xác định đối tượng khách hàng. Bạn cần tìm ra được nguyên nhân tại sao họ cần phải nghe thông điệp của bạn.
Còn các bước kế tiếp thì thế nào? Có thể khẳng định là khi đối tượng khách hàng khác nhau thì sẽ có khá nhiều điểm rất khác nhau trong quy trình marketing!
Để marketing tới người tiêu dùng (B2C), bạn không cần phải đàm phán quá nhiều thứ phức tạp với khách hàng bởi điều khoản đã có sẵn rồi. Nếu khách A không đồng ý mua thì vẫn có những vị khách B, C, D… sẽ chọn mua hàng của bạn.
Mặt khác, khi làm marketing tới các doanh nghiệp (B2B), bạn cần có những nỗ lực tiếp thị nhất định để xây dựng mối quan hệ. Đặc biệt, ở mô hình kinh doanh B2B, kỹ năng đàm phán rất quan trọng bởi bạn sẽ cần biết cách đàm phán về chất lượng hàng hóa, giá cả, chế độ hỗ trợ trong vận chuyển sản phẩm,v.v…
Sự tích hợp hệ thống
Trong thương mại điện tử B2C, hiển nhiên bạn không cần phải tích hợp hệ thống của mình với hệ thống của khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề tích hợp hệ thống của doanh nghiệp bán hàng và doanh nghiệp mua hàng lại không thể bị các công ty B2B bỏ qua, vì cần đảm bảo các hệ thống “giao tiếp” được với nhau mà không cần con người can thiệp trực tiếp.
Vậy là trước khi trở thành một nhà bán hàng tài giỏi, bạn phải hiểu rõ những khái niệm đặc thù trong lĩnh vực marketing và sale, trong đó có B2C, B2B. Nhờ sự phát triển không ngừng của Google, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương ngày nay có thể tiếp cận khách hàng end-user một cách thuận lợi, từ đó dễ dàng mở rộng quy mô và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.